Đầu tư xây dựng và phát triển các công trình thủy điện luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên, năm 2003, Công ty Cổ phần Điện Việt Lào (VIETLAOPOWER) ra đời trên cơ sở Hiệp định hợp tác năng lượng điện - lĩnh vực trọng tâm trong việc hợp tác kinh tế, chính trị giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào. Thời gian qua, bằng tri thức, khát khao và nỗ lực bền bỉ của những người “đi tìm nguồn sáng”, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, VIETLAOPOWER không chỉ mang lại những giá trị kinh tế mà còn đóng góp tích cực cho sự “thay da đổi thịt” của nước bạn, trở thành một biểu tượng bền vững, thắp sáng tình hữu nghị giữa Việt Nam và Lào.
Khởi nguồn hợp tác - tiềm năng và dấu ấn
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, VIETLAOPOWER được thành lập từ năm 2003 để triển khai Hiệp định hợp tác năng lượng giữa hai nước Việt Nam và Lào với nhiệm vụ chính là đầu tư, xây dựng các công trình thủy điện tại Nam Lào để nhập khẩu điện về Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, VIETLAOPOWER là nhà đầu tư duy nhất không những của Việt Nam mà còn của cả Lào đầu tư hoàn thành dự án và bán điện về Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước. Sản lượng điện bán lũy kế đến 30/4/2022 đạt 9,16 tỷ kWh, doanh thu bán điện (cũng là kim ngạch xuất khẩu của Lào vào Việt Nam) lũy kế đến ngày 30/4/2022 đạt 482,95 triệu USD.
VIETLAOPOWER đã hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành 3 nhà máy thủy điện với tổng công suất 572MW, tổng sản lượng điện hàng năm 2,2 tỷ KWh, bao gồm: Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Xekaman 1 (290MW), NMTĐ Xekaman Xanxay (32MW), NMTĐ Xekaman 3 (250MW),
3 công trình đường dây truyền tải điện, bao gồm phần trên lãnh thổ Lào: Đường dây 230kV từ NMTĐ Xekaman 1 đến Pleiku 2, đường dây 220kV từ Dakchung đến Thạnh Mỹ, đường dây 115kV từ NMTĐ Xekaman Xanxay về NMTĐ Xekaman 1.
Chia sẻ về những ngày tháng đầu tiên trên đất nước Vạn Tượng, ông Nguyễn Đức Cử - Chủ tịch HĐQT VIETLAOPOWER nhớ lại: “Không phụ niềm tin của Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước, những cán bộ, kỹ sư, công nhân xây dựng Việt Nam trên công trường đã dùng hết khả năng và tâm huyết, vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Các dự án đều nằm sâu trong vùng núi hiểm trở của nước Lào, vì vậy để hoàn thành các công trình trên, các đơn vị thi công trên công trường đã xây dựng hàng trăm kilômét hệ thống giao thông trong công trường; đào, đắp hàng triệu m3 đất đá; đổ hàng trăm nghìn m3 bê tông các loại; lắp đặt hàng chục nghìn tấn máy móc, thiết bị từ đơn giản đến phức tạp, siêu trường, siêu trọng,... Chính vì vậy, với tôi, mỗi công trình là một biểu tượng, góp phần tô thắm thêm tình hữu nghị truyền thống lâu đời, gắn kết hai dân tộc, có ý nghĩa to lớn và đóng vai trò hết sức quan trọng trong mối quan hệ hai nước Việt Nam - Lào”.
Trước tiên, về mặt lợi ích chung hai nước, các dự án này đang và sẽ thực hiện một phần kết nối lưới điện khu vực, phục vụ nhu cầu mua, bán điện giữa Lào và Việt Nam; thực hiện đầu tư các dự án góp phần củng cố sự ổn định về an ninh - quốc phòng trên biên giới Việt Nam - Lào, cũng như đóng góp vào kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa hai nước năm 2022 dự kiến đạt khoảng 120,99 triệu USD, từ năm 2023 đạt khoảng gần 140 triệu USD/năm.
Với riêng Việt Nam, các dự án hằng năm cung cấp cho hệ thống điện Việt Nam bình quân 2,2 tỷ kWh từ nguồn năng lượng sạch, tái tạo, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giúp điều tần cho hệ thống điện Việt Nam và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam. Ngoài ra, hồ chứa Xekaman 1 cũng tham gia cung cấp thêm nguồn nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long vào mùa khô.
Với riêng nước bạn, các dự án không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn mang những giá trị nhân văn to lớn cho Chính phủ và nhân dân Lào. Từ năm 2013 đến ngày 30/4/2022, VIETLAOPOWER đã nộp vào ngân sách của Chính phủ Lào 46,9 triệu USD; kế hoạch nộp ngân sách cho Chính phủ Lào năm 2022 là 16,34 triệu USD.
Về di dân tái định cư, các dự án mang lại lợi ích thiết thực cho người dân địa phương tại địa điểm xây dựng dự án (Khu tái định cư Souksavang - Dakbou, Houydoum,...) với cơ sở hạ tầng đầu tư mới, điều kiện, chất lượng cuộc sống được cải thiện...
Bên cạnh đó, hồ chứa của Dự án thủy điện Xekaman 1 còn có khả năng cắt lũ cho hạ lưu. Năm 2019, các tỉnh phía nam Lào bị ngập lụt, nhưng hồ chứa thủy điện Xekaman 1 đã cắt hoàn toàn lũ của sông Xekaman, giúp vùng hạ lưu, đặc biệt là thị xã Attapeu không bị ngập lụt, cung cấp nguồn nước cho hạ du trong quá trình vận hành vào mùa khô.
Đặc biệt, sau 25 năm vận hành, toàn bộ các nhà máy thủy điện trên sẽ được nhà đầu tư bàn giao cho Chính phủ Lào, cũng là nền móng để các thế hệ mai sau tiếp tục kế thừa và phát triển.
Cụm công trình thủy điện Xekaman 1 tại huyện Xanxay, tỉnh Attapeu có công suất lắp máy 322MW, điện lượng bình quân hằng năm 1,1 tỷ kWh
Vượt lên ý nghĩa làm kinh tế
Không chỉ đơn thuần làm kinh tế, các dự án của VIETLAOPOWER còn thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong vùng dự án. Ngoài việc đảm bảo hiệu quả đầu tư tối ưu, vấn đề tác động môi trường, an sinh xã hội và ổn định cuộc sống dân sinh vùng dự án cũng luôn được VIETLAOPOWER ưu tiên hàng đầu.
Ông Nguyễn Đức Cử chia sẻ: “Làm thế nào để người dân di dời và tái định cư trên địa bàn mới có đất canh tác, nguồn nước để sản xuất và sinh hoạt? Và làm sao để sau khi di dời, hạn chế được những thay đổi lớn về tập quán canh tác, nguồn sinh kế và lối sống của người dân luôn là những vấn đề khiến ban lãnh đạo VIETLAOPOWER vô cùng trăn trở. Để giải quyết bài toán này, chúng tôi đã xây dựng 2 khu tái định cư tại khu vực Dự án thủy điện Xekaman 1 thuộc huyện Xanxay, tỉnh Attapeu. Trong đó:
Khu tái định cư Souksavang - Dakbou với tổng diện tích 1.273ha, tổng số 158 hộ, hơn 800 nhân khẩu, được hoàn thành và bàn giao cuối năm 2015, với tổng chi phí đầu tư là 3,307 triệu USD. Hiện tại, Khu tái định cư này được Cục Kinh doanh Năng lượng - Bộ Năng lượng và Mỏ Lào lấy làm mẫu để yêu cầu các nhà đầu tư thủy điện khác ở Lào thực hiện.
Khu tái định cư Houydoum với tổng diện tích 1.155ha đã hoàn thành toàn bộ nhà ở cho người dân ngày 15/3/2020. Tổng mức đầu tư là 4,427 triệu USD, tổng số 98 hộ dân với 559 nhân khẩu - trong đó có 20 hộ không thuộc diện tái định cư của dự án nhưng có nguyện vọng và đã được chuyển vào”.
Tất cả đều được đồng bộ: đất nhà ở, đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản; công trình công cộng (trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, chợ, nhà vệ sinh công cộng), ao cá, nghĩa trang, bể lắng và bể chứa, nhà khuyến nông, đường dây điện, đường giao thông, hệ thống thoát nước, bãi tập kết, chôn lấp xử lý rác thải nằm ngoài bìa rừng, xa khu dân cư.
Bên cạnh đó, VIETLAOPOWER còn hỗ trợ xây dựng bổ sung thêm một số công trình dân sinh như: Cầu cứng vĩnh cửu qua sông Xekaman có tải trọng H30-XB80, đường Sanxay Power dài 7km, hệ thống nước tự chảy dài 8km với lưu lượng 2m3/s.
Ngoài ra, VIETLAOPOWER đã liên tục ủng hộ chính quyền địa phương trong lúc gặp khó khăn như: Ủng hộ chính quyền địa phương huyện Sanxay, tỉnh Attapeu khắc phục hậu quả sau sự cố vỡ đập thủy điện Xepien Xenamnoy năm 2018; ủng hộ Quỹ phòng chống Covid-19 của Chính phủ Lào và ủng hộ máy thở cho bệnh viện tuyến tỉnh của Attapeu và Sekong...
Đáp lại tình cảm đó, chính quyền địa phương và nhân dân các bộ tộc Lào cũng hết sức đồng lòng, sẻ chia và tạo điều kiện để những người làm thủy điện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ.
Khu tái định cư Houydoum - dự án thủy điện Xekaman 1
Vững chắc cho tương lai
Về những kỳ vọng của Chủ tịch Nguyễn Đức Cử với tương lai của VIETLAOPOWER, ông cho biết: “Chặng đường 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 45 năm Ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào đã minh chứng cho mối quan hệ sắt son giữa hai đất nước - một hình mẫu có một không hai trên thế giới. Theo dòng thời gian, mối quan hệ ấy ngày càng phát triển bền chặt và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là các chương trình hợp tác năng lượng điện giữa hai quốc gia, đang vươn lên những tầm cao mới, ngày càng tương xứng với tiềm năng và sự mong đợi”.
Nối tiếp thành công của Xekaman 3, Xekaman 1,... hiện nay, VIETLAOPOWER đang thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ AI, tự động hóa trong vận hành các nhà máy thủy điện. Trong năm 2022, Công ty sẽ xây dựng một trung tâm đào tạo vận hành - sửa chữa chuyên nghiệp cho các dự án của Công ty và các dự án điện khác. Thời gian tới, VIETLAOPOWER dự định sẽ phát triển đầu tư dự án năng lượng về thủy điện và điện mặt trời tại Lào với công suất dự kiến từ 1.500MW đến 2.000MW.
Rõ ràng, trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực đạt mức giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP 26, các dự án thủy điện sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát phủ đỉnh, điều chỉnh tần số và là công cụ giúp hệ thống điện quốc gia ổn định. Lào không những có tiềm năng lớn về thủy điện, mà các dự án thủy điện tại Lào cung cấp điện về Việt Nam còn được EVN điều độ đến tận từng tổ máy nên hiệu quả đáp ứng nhu cầu điện của Việt Nam là rất lớn. Do đó, việc thu hút các nhà đầu tư (đặc biệt là các nhà đầu tư Việt Nam) đầu tư vào các dự án thủy điện tại Lào như VIETLAOPOWER bằng cơ chế giá điện hợp lý là một việc đáng khuyến khích. Chắc chắn sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành, Quốc hội hai nước trong việc thông qua Hợp đồng điều chỉnh BOT, đẩy nhanh tiến trình đàm phán điều chỉnh giá điện với nhà máy Xekaman 3, đồng thời chấp thuận chủ trương cho phép Xekaman 1 bán 100% sản lượng điện của dự án sang Việt Nam thời gian này sẽ là một nguồn động lực mạnh mẽ để VIETLAOPOWER tiếp tục sứ mệnh góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển của hai đất nước.
Với nỗ lực bền bỉ của những người “đi tìm nguồn sáng”, Công ty CP Điện Việt Lào đang và sẽ trở thành một trong những biểu tượng mới, thể hiện mối quan hệ truyền thống lâu đời, sự hợp tác toàn diện và tinh thần hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào. Những nhà máy thủy điện thấm đẫm mồ hôi, công sức của Công ty chính là những công trình vô giá để các thế hệ tương lai của hai nước cùng nhau kế thừa, tiếp nối và hai dân tộc ngày càng phát triển hùng cường.
Nguồn Vietnam Business Forum